Không chỉ ngồi làm việc lâu mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe, một nghiên cứu mới cho thấy, đứng làm việc quá lâu cũng có ảnh hưởng đến tim mạch không kém người hút thuốc và béo phì.

Nghiên cứu gần đầy được công bố trên Tạp chí American Journal of Epidemiology tập trung vào việc nghiên cứu tác động xấu của việc đứng lâu đối với sức khoẻ.

Qua 12 năm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nguy cơ bệnh tim của hơn 7.000 công nhân người Canada ở các lĩnh vực công việc khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã phân loại các công nhân vào thành từng nhóm dựa trên vị trí cơ thể yêu cầu cho công việc bao gồm: nhóm người chủ yếu là ngồi, nhóm người hầu hết là đứng, và nhóm tổng hợp cả ngồi và đứng, hoặc sử dụng nhiều vị trí khác nhau như cúi hoặc quỳ.

Sau khi kiểm soát một loạt các yếu tố khác, dữ liệu cho thấy những người chủ yếu đứng tại nơi làm việc có nguy cơ mắc bệnh tim gấp đôi so với những người chủ yếu là ngồi. Các nhà nghiên cứu cho biết, đứng lâu có thể làm máu tụ ở chân, tăng áp lực lên tĩnh mạch và góp phần gia tăng stress oxi hoá hay còn gọi là sự mất cân bằng oxi hoá – tất cả chúng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Thực tế, khả năng mắc bệnh tim ở những người trả lời có công việc đòi hỏi họ phải đứng lâu (6,6%) tương đương với người lao động hút thuốc lá hàng ngày (5,8%) và những người béo phì (6,9%).

Đứng lâu trong suốt cả ngày – không phải lúc nào cũng thay đổi tư thế giữa ngồi và đứng – là thủ phạm gây ra bệnh tim nhiều hơn trong nghiên cứu này. Rõ ràng ngồi lâu không phải là mối nguy hiểm sức khoẻ duy nhất ở nơi làm việc.

Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các chương trình chăm sóc sức khoẻ tại nơi làm việc nên tập trung vào việc giảm thời gian đứng lâu một chỗ tại nơi làm việc, giống như việc họ yêu cầu không hút thuốc lá và những thói quen ăn uống không lành mạnh để kiềm chế bệnh tim mạch.

Lương y Cao Sơn (Theo RD)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.