Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Toàn bộ quang cảnh khu lăng mộ Giza (Giza Necropolis), bao gồm các kim tự tháp và tượng Nhân sư, có những vết xói mòn khiến một số người suy luận rằng khu vực này đã từng chìm ngập trong nước biển. Một mẫu hóa thạch độc đáo đã củng cố thêm giả thuyết này.

Nhà khảo cổ học Sherif El Morsi đã làm việc trên khắp cao nguyên Giza trong hơn hai thập niên qua, và vào năm 2013, ông đã hợp tác với người sáng lập tổ chức Giza for Humanity và cũng là người đồng sự nghiên cứu, ông Antoine Gigal, để công bố một phát hiện gây tranh cãi về mẫu hóa thạch này.

Tiến sĩ Robert M. Schoch là một trong những nhà khoa học đầu tiên thực sự nghiên cứu về giả thuyết cấu trúc cao nguyên Giza có niên đại xa xưa hơn mọi người từng nghĩ. Trong những năm đầu thập niên 1990, ông đề xuất rằng tượng Nhân sư có niên đại xa xưa hơn hàng nghìn năm so với nhận thức trước đây, từ năm 5000-9000 trước Công nguyên, dựa vào những kiểu xói mòn do nước gây ra, được tìm thấy trên cả bức tượng và dãy đá xung quanh.

The great Sphinx of Giza and the Pyramid of Khafre. (WitR/iStock/Thinkstock)
Tượng Nhân sư và kim tự tháp Khafre. (WitR/iStock/Thinkstock)

Tiếp thu ý tưởng của ông Schoch, ông Morsi đã đào sâu hơn vào bí ẩn này. Trong khi chụp hình tư liệu khảo chứng các kiểu xói mòn trên rất nhiều các tảng đá cự thạch ở khu vực này, ông đã có một khám phá giúp khẳng định thêm rằng khu vực này đã từng bị chìm dưới nước.

“Trong quá trình chụp hình đường bờ biển cổ xưa này, suýt nữa tôi bị ngã do vấp phải một vật trên khối đá tầng hai của ngôi đền”, ông Morsi cho biết trong một bài báo đăng trên website Gigal Research. “Chưa hết ngạc nhiên, tôi phát hiện chỗ lồi mà tôi đã vấp trúng chính là xương hóa thạch, có vẻ như của con cầu gai (một loài nhím biển), vốn là một sinh vật sống ở vùng biển cạn”.


Ảnh hóa thạch con cầu gai mà ông Morsi vấp phải. (Ảnh: Gizaforhumanity)

Morsi cho rằng, cao nguyên Giza từng bị ngập do nước biển dâng. Đặc biệt, di chỉ ngôi đền của vua Menkare có thể từng là một vũng nước mặn cổ đại, khi nước biển dâng cao nhấn chìm Khu lăng mộ và tượng Nhân Sư, khu phức hợp đền thờ và các di chỉ khác.

Các nhà khoa học khác suy luận rằng con cầu gai có trong đá vôi kia bị lộ ra do sự xói mòn và loài sinh vật này vốn đã ở trong đá vôi nguyên thủy khi nó mới hình thành vào 30 triệu năm trước. Nhưng ông Morsi đã phản bác rằng, loài sinh vật này đã hóa thạch trong khoảng thời gian gần hơn, bằng chứng là loài sinh vật này nằm sát đất, trong tình trạng nguyên sơ và nằm trong biên độ thủy triều của đầm nước mặn, hơn nữa nó là một mẫu vật lớn không giống như các mẫu vật nhỏ bé thường thấy trong các khối đá vôi.

“Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng nguyên sơ và các chi tiết nhỏ của bộ xương in hằn vào đá”, ông Morsi nói tiếp, “điều đó có nghĩa là loài sinh vật biển này phải hóa thạch trong khoảng thời gian gần đây. Nó không phải là một cơ thể hóa thạch như đa số các mẫu vật 30 triệu năm trước, mà nó hóa thạch do các trầm tích lắng xuống và lấp đầy khoảng trống [trong cơ thể].”

Ông Morsi tin rằng khu vực này đã bị ngập khá sâu, có thể đến khoảng 75m trên mực nước biển hiện tại và tạo ra một đường bờ biển kéo dài từ kim tự tháp Khafra gần tượng Nhân sư đến đền thờ Menkara. Theo ông Morsi, khi quan sát các mảng lỗ chỗ và rãnh lồi lõm do sóng vỗ, cũng như dòng thủy triều lên xuống khắc vào đá, có thể thấy biên độ thủy triều vào khoảng 2mtrong khu vực này.

XEM THÊM: Ai Cập cổ đại từng được chiếu sáng bằng điện?

Hơn nữa, tại các địa điểm như tượng Nhân sư, đền thờ Nhân sư, và 20 vòng phiến đá đầu tiên của Kim Tự Tháp, các nhà khoa học đánh giá rằng những tảng đá có biểu hiện của sự xói mòn do ngâm trong nước sâu. Trên các khối đá có cặn lắng trầm tích và phù sa (hay một loại chất liệu), là điều thường thấy ở những đáy biển nông và vũng vịnh. Khi nước rút, nó tạo ra hiệu ứng rỉ nước như tấm bọt biển trên đá.

Để một con cầu nhím biển đạt được chiều dài 8cm giống như hóa thạch này, thì phải mất khoảng 15 năm. Hơn nữa, để tạo thành lượng trầm tích phù sa lắng đọng cũng như sự xói mòn do thủy triều ở các vùng nông hơn, thì phải mất đến nhiều thế kỷ, điều này cho thấy khu vực này từng bị ngập nước trong một thời gian khá dài.

Tuy nhiên, rất khó xác định được chính xác trận lũ lụt xảy ra vào năm nào. Theo Viện nghiên cứu Hải dương và Khí quyển CSIRO, thì trong vòng 140.000 năm qua, mực nước biển đã dao động hơn 120m khi các tảng băng lớn hình thành và tan ra trong chu kỳ băng hà.

Paul Darin, Epoch Times
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: