Ajanta – hệ thống hang động kì vĩ với hơn 30 khối đá cắt được sắp xếp theo quy luật thiên văn, gồm các bức vẽ và công trình điêu khắc trên đá là một trong những minh chứng hoàn mỹ nhất của nghệ thuật trong Phật giáo Ấn Độ cổ đại.

Tọa lạc tại quận Aurangabad, Maharashtra, Ấn Độ có lẽ từ thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên, công trình hang động kì vĩ với hơn 30 khối đá cắt bao gồm các bức vẽ và công trình điêu khắc trên đá là một trong những minh chứng hoàn mỹ nhất của nghệ thuật Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là các bức tranh biểu cảm sống động thông qua các cử chỉ, tư thế và hình dáng, được khắc trên các bức tường đá cao gần 80m tạo nên tu viện và điện thờ truyền thống Phật giáo cổ kính.

Các bức tranh tường tại hang động số 1. (Ảnh: Internet)

Công trình này nằm cách biệt với thế giới bên ngoài, che phủ bởi cánh rừng sâu và mãi đến năm 1819 mới được phát hiện tình cờ trong một chuyến đi săn của John Smith một sĩ quan Trung đoàn Madras của Quân đội Anh bên ngoài Mumbai.

Người ta tin rằng những tăng nhân Phật giáo cổ xưa đã dành khoảng thời gian đáng kể để tạo nên kiệt tác này, giai đoạn thứ nhất từ thế kỉ thứ 2 đến thế kỉ thứ 1 TCN và giai đoạn thứ 2 sau đó vài thế kỉ.

Không chỉ có các bức vẽ và điêu khắc đáng kinh ngạc, di tích Phật giáo cổ đại còn được xây dựng như các bảo tháp, cột trụ khổng lồ, với các nét chạm khắc chi tiết hết sức phức tạp, trên cả tường và trần.

Mỗi động đều mang đặc trưng riêng biệt, sở hữu thiết kế tinh vi và lộng lẫy bao phủ từ trong ra ngoài, trang trí vô cùng chi tiết khiến nó trở thành một trong những hang động đá cắt độc đáo nhất trên Trái Đất.

Tổng cộng ở Ajanta có đến 500 bức. Màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật nên vừa hài hòa, vừa tương phản mà vẫn tươi nguyên qua mấy ngàn năm. Toàn bộ các bức tranh đều tập trung thể hiện cuộc đời đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài (trong đó có nhiều kiếp là các con vật , nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn). Vì thế, tuy đều gắn với đề tài Phật giáo nhưng các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện mà bao trùm hiện thực rộng lớn hơn: cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, cỏ hoa và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới nữa.

Một số chuyên gia cho rằng Ajanta không phải là động đá bình thường, các hang động thẳng hàng với điểm đông chí và hạ chí và liên kết với những sự kiện thiên văn khác. Một số nhà nghiên cứu đề xuất rằng sự sắp xếp các hang động không phải là ngẫu nhiên. Một vài động đá hình vòm có các Bảo Tháp với hình tượng Phật được khắc trên đó, được sắp đặt sao cho nằm thẳng hàng với các điểm chí. Chẳng hạn, động số 19, được định hướng điểm đông chí, và vào ngày đó Mặt Trời sẽ đi qua khe hở trên mặt trước của hang động và chiếu sáng bảo tháp ở phía sau. Tương tự như vậy, động số 26 được định hướng điểm hạ chí, vì vậy, vào ngày đặc biệt đó, Mặt Trời sẽ chiếu sáng bảo tháp trong động này. Chắc chắn là cần đến các công cụ và tính toán chính xác mới có thể làm được vậy.

Hang động số 19, vào ngày Đông chí, Mặt Trời sẽ đi qua chính xác lỗ mở trên mặt trước của hang động và chiếu sáng bảo tháp ở phía sau. (Ảnh: Internet)

Động số 19 và 26, nằm thằng hàng một cách hoàn hảo với các điểm chí. Vào đúng thời điểm đó trong năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu thẳng xuyên qua lỗ hở trên mái, làm sáng bừng toàn bộ thiết kế kì vĩ bên trong.

Các hang động số 16, 17, 1 và 2 tạo thành thể lớn nhất còn lại của nghệ thuật tranh tường Ấn Độ cổ xưa.

Cửa vào động số 17. (Ảnh: Internet)

Các hang động được khắc từ các vách đá bazan, một phần của Bẫy Deccan (là một miền đá mácma lớn nằm trên cao nguyên Deccan vùng trung tây Ấn Độ) hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa liên tiếp vào cuối Kỷ Cretaceous (Kỷ Phấn Trắng cách đây 145-66 triệu năm).

Ngày xây dựng chính xác của Ajanta vẫn chưa được biết, nhưng nó từng được đề cập đến trong hồi ký của các tín đồ Phật giáo Trung Quốc đến Ấn Độ vào thời Trung cổ khoảng đầu thế kỉ 17.

Hệ thống hang động Ajanta trở thành địa điểm thu hút khách du lịch nhất ở Maharashtra, và thường đông kín người vào các ngày lễ, điều này làm tăng lo ngại cho vấn đề bảo vệ các hang động, đặc biệt là các bức tranh tường.

Theo các chuyên gia, việc tạo dựng các hang động bắt đầu bằng cắt một đường hầm hẹp ở phần nóc, sau đó mở rộng xuống dưới và ra ngoài; như bằng chứng quan sát từ một số hang động mới hoàn thành một phần như hang động số 21 đến 24 và hang động bị bỏ dỡ số 28.

Ngự Yên (theo ancient-code)

Xem thêm: